Phố cổ Hội An là một trong những điểm đến mang đậm nét hoài cổ và văn hóa đặc sắc của miền Trung Việt Nam. Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, nơi đây không chỉ nổi tiếng với kiến trúc cổ kính của những ngôi nhà, những con phố nhỏ hẹp mà còn với những ánh đèn rực rỡ về đêm.
Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm bên bờ sông Thu Bồn, thuộc tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Hội An đã từng là một thương cảng sầm uất, nơi giao thoa của các nền văn hóa lớn từ Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ và châu u vào thế kỷ 15 đến thế kỷ 19.
Hội An có vẻ đẹp cổ kính với những ngôi nhà lợp mái ngói đỏ, đen, sơn tường vàng và các dãy phố hẹp, đây là một địa điểm mang đến vẻ đẹp yên bình, giản dị nhưng cũng đầy quyến rũ.
Hội An là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích không gian yên tĩnh, muốn khám phá văn hóa và lịch sử, và tận hưởng bầu không khí hoài cổ đặc trưng của miền Trung Việt Nam. Hội An không chỉ là điểm đến cho những ai yêu thích lịch sử và văn hoá dân tộc mà còn hấp dẫn bởi sự gần gũi với Đà Nẵng – một thành phố hiện đại và sôi động tại mảnh đất hình chữ S.
Chính sự kết hợp giữa nét cổ kính của Hội An và nét đẹp năng động của Đà Nẵng đã làm nên sự cuốn hút đặc biệt cho khu vực này. Bên cạnh đó, nét văn hóa truyền thống từ các hội quán, chùa chiền, và phố cổ Hội An đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, làm cho du khách có cảm giác như đang sống trong một thời kỳ xa xưa.
Phố cổ Hội An gắn liền với sự phát triển của một thương cảng quốc tế sầm uất tại khu vực miền Trung Việt Nam vào thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Từng được biết đến với tên gọi Faifo, Hội An đã trở thành một trong những trung tâm giao thương quan trọng của khu vực Đông Nam Á, thu hút các thương nhân từ Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan, và nhiều quốc gia khác trên thế giới đến buôn bán, trao đổi hàng hóa.
Thời kỳ đầu vào thế kỷ 15-16, Hội An bắt đầu phát triển mạnh mẽ dưới triều đại nhà Lê và chúa Nguyễn. Thời điểm này, Hội An nổi lên như một cảng giao dịch quốc tế nhờ vị trí thuận lợi trên các tuyến đường hàng hải kết nối giữa Đông Á, Đông Nam Á và châu u. Các thương nhân từ Trung Hoa, Nhật Bản đã đến đây buôn bán, góp phần làm nên sự thịnh vượng cho vùng đất này.
Hội An bắt đầu đạt đến đỉnh cao về sự phát triển thương mại vào thế kỷ 17 và 18, người Nhật Bản đã lập nên những khu định cư tại đây, tiêu biểu là con đường mang tên “Nhật Bản” và Chùa Cầu – một công trình kiến trúc Nhật Bản còn tồn tại đến ngày hôm nay. Các thương nhân Trung Quốc cũng lập nên các hội quán như Hội Quán Triều Châu, Hội Quán Quảng Đông để sinh hoạt và thờ phụng.
Sau khi triều Nguyễn quyết định phát triển cảng Đà Nẵng thay cho Hội An, đồng thời do sự bồi lấp của cửa sông Thu Bồn, cảng Hội An dần mất đi vị thế và dần suy tàn vào thế kỷ 19. Hoạt động giao thương quốc tế suy giảm và Hội An trở thành một đô thị lặng lẽ. Dù thương cảng không còn hoạt động, nơi đây vẫn giữ gần như nguyên vẹn các cấu trúc đô thị cổ với những ngôi nhà cũ kỹ, hội quán, đền chùa và các công trình kiến trúc từ thời kỳ hoàng kim. Vào những năm 1990, Hội An bắt đầu được khôi phục và bảo tồn, trở thành một điểm du lịch văn hóa nổi tiếng.
Cho đến năm 1999, Phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới nhờ giá trị lịch sử và kiến trúc đặc sắc còn đọng lại, cũng như sự bảo tồn gần như nguyên vẹn của đô thị cổ từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Kể từ đó, Hội An đã phát triển thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam, thu hút hàng triệu du khách ghé năm mỗi năm
Phố cổ Hội An nổi bật với vẻ đẹp kiến trúc cổ xưa độc đáo, pha trộn giữa nhiều nền văn hóa như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và châu u, tạo nên một không gian đặc biệt. Kiến trúc của Phố cổ Hội An là minh chứng rõ ràng cho quá trình giao thương sầm uất trong lịch sử và sự kết hợp hài hòa của nhiều nền văn minh khác nhau.
Những ngôi nhà tại Hội An mang đặc trưng của kiến trúc nhà truyền thống Việt Nam, với hình dáng dài và hẹp, lợp ngói âm dương. Phần lớn các ngôi nhà đều được xây dựng từ thế kỷ 17-19, đến nay vẫn giữ nguyên kết cấu với khung gỗ, tường xây bằng gạch, mái lợp ngói và các chi tiết chạm khắc công phu.
Nhà cổ ở đây có mặt tiền và dùng để buôn bán, các không gian phía sau là nơi ở, sinh hoạt. Đặc biệt, mỗi ngôi nhà thường có sân trong, tạo không gian thông thoáng.
Chùa Cầu hay còn được gọi là Cầu Nhật Bản, đây là một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Hội An. Được xây dựng vào thế kỷ 17 bởi các thương nhân Nhật Bản, cây cầu này kết nối hai khu phố người Hoa và người Nhật lại với nhau. Chùa Cầu có mái che, khung gỗ với mái ngói cong uốn lượn, thể hiện sự giao thoa giữa kiến trúc Nhật Bản và Việt Nam.
Phố cổ Hội An còn nổi tiếng với các hội quán của cộng đồng người Hoa như Hội Quán Phúc Kiến, Hội Quán Triều Châu, và Hội Quán Quảng Đông. Các hội quán này vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, vừa là nơi thờ phụng các vị thần linh của người Hoa.
Kiến trúc của các hội quán này khá lớn với những mái nhà cao, chạm trổ tinh xảo trên cột trụ, xà nhà và các chi tiết trang trí bằng gốm sứ. Những hình ảnh rồng, phượng, hoa văn cổ điển thường xuất hiện trên cổng và tường. Màu sắc chủ đạo là đỏ, vàng, tượng trưng cho sự thịnh vượng và may mắn theo quan niệm của người Hoa.
Đèn lồng không chỉ là vật trang trí mà còn là biểu tượng, nét đặc trưng riêng biệt của Phố cổ Hội An. Khi bạn ghé đến Hội An, bạn sẽ thấy đèn lồng xuất hiện trên khắp các con phố, trước mỗi ngôi nhà, tạo nên một không gian lung linh, huyền ảo vào buổi tối. Những chiếc đèn lồng đủ màu sắc, hình dáng được làm thủ công từ tre và lụa, mang lại vẻ đẹp nhẹ nhàng và thanh thoát.
Các con phố nhỏ hẹp và đường lát gạch tạo nên nét đặc trưng riêng của Phố cổ Hội An. Những con hẻm quanh co, với tường nhà sơn vàng, mang lại không khí hoài cổ và yên bình. Vào buổi tối, khi ánh đèn lồng thắp sáng, phố cổ trở nên lãng mạn và nên thơ, tạo nên một không gian thanh tĩnh khác biệt so với sự sôi động của các thành phố hiện đại.
Hội An là địa điểm lý tưởng để du khách có thể thả mình vào không gian hoài cổ và tận hưởng bầu không khí yên bình cùng với đó có thể khám phá nét đẹp của từng giá trị văn hoá, ẩm thực và truyền thống đặc sắc tại nơi đây.
Du khách còn có thể đem đến trải nghiệm tuyệt vời khó quên cho bản thân qua các hoạt động như:
Ẩm thực là một trong những điểm nhấn quan trọng khi du lịch Hội An. Du khách có thể thưởng thức những món ăn đặc sản như cao lầu – món mì chỉ có ở Hội An với hương vị đậm đà và kết cấu độc đáo, cơm gà Hội An, bánh mì Phượng – được nhiều tạp chí quốc tế ca ngợi, và các món ăn đường phố khác như bánh bao, bánh vạc, hoành thánh chiên. Đừng quên thử chè bắp và các loại chè ngon đặc trưng khác, mang lại cảm giác ngọt ngào và sảng khoái trong những buổi chiều dạo chơi.
Một trong những trải nghiệm đặc biệt mà du khách không thể bỏ lỡ khi đến Hội An là thả đèn hoa đăng trên sông Hoài. Vào buổi tối, du khách có thể thuê thuyền nhỏ, ngồi dạo quanh dòng sông, và tự tay thả những chiếc đèn hoa đăng lung linh xuống nước, gửi gắm những điều ước bình an và may mắn. Khung cảnh lung linh của hàng ngàn chiếc đèn hoa đăng trên mặt nước sẽ tạo nên một khoảnh khắc thật đặc biệt và khó quên.
Hội An còn là nơi lưu giữ nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Du khách có thể ghé thăm làng gốm Thanh Hà để trải nghiệm quy trình làm gốm, làng mộc Kim Bồng nổi tiếng với các sản phẩm thủ công tinh xảo, hoặc làng rau Trà Quế để học cách trồng và chăm sóc rau theo phương pháp truyền thống. Đây là cơ hội tuyệt vời để du khách hiểu hơn về văn hóa và cuộc sống của người dân địa phương.
Nếu có cơ hội, du khách nên đến Hội An vào những dịp lễ hội thì có thể tham gia vào các lễ hội và đem đến trải nghiệm văn hóa độc đáo, giúp du khách hiểu rõ hơn về phong tục tập quán, đời sống tâm linh và nét đẹp truyền thống của vùng đất này. Các lễ hội ở Hội An thường gắn liền với lịch sử, tín ngưỡng và đặc biệt là các sự kiện tôn vinh văn hóa, tạo nên không gian sôi động nhưng vẫn giữ được nét bình yên của phố cổ.
Phố cổ Hội An là một điểm đến du lịch nổi tiếng với vẻ đẹp hoài cổ và nền văn hóa đặc sắc, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Không giống như những thành phố du lịch khác, Hội An mang đến cho du khách một cảm giác yên bình, lãng mạn với những con phố nhỏ yên tĩnh, không có tiếng còi xe ồn ào.
Vào buổi tối, ánh sáng dịu dàng từ những chiếc đèn lồng rực rỡ tạo nên không gian ấm cúng và thư giãn, khiến du khách dễ dàng quên đi mọi lo toan thường nhật.
Khi đến với Hội An, bạn sẽ cảm nhận được một nhịp sống chậm rãi, không vội vã, điều mà ít nơi nào có thể mang lại. Bạn cũng có thể thong thả dạo phố, nhâm nhi ly cà phê tại một quán nhỏ ven đường, hay ngồi thuyền thả đèn trên sông, tất cả đều tạo nên một trải nghiệm thư thái và đáng nhớ.
Phố cổ Hội An thực sự là điểm đến không chỉ cho những ai yêu thích khám phá lịch sử và văn hóa, mà còn cho những ai muốn tìm kiếm sự bình yên, lãng mạn và thư giãn giữa cuộc sống hiện đại.
Bên cạnh đó, Phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1999, khẳng định được giá trị của nền văn hóa, lịch sử và kiến trúc độc đáo trên đất nước Việt Nam. Khi bạn chọn du lịch tại một di sản thế giới, thì đây chính là cơ hội để bạn khám phá những nét đặc sắc đã được bảo tồn qua hàng thế kỷ.
Khi du lịch tại Phố cổ Hội An, để có trải nghiệm trọn vẹn, an toàn vừa tận hưởng được vẻ đẹp cổ kính vừa hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của vùng đất này thì bạn nên tham khảo một số lưu ý sau.
Chọn thời điểm thích hợp để du lịch: Hội An có khí hậu nhiệt đới, nên thường có mưa và đôi khi xảy ra lụt, nên bạn cần kiểm tra dự báo thời tiết trước khi đi.
Mua vé tham quan: Khi tham quan Phố cổ Hội An, bạn cần mua vé tại quầy bán vé chính thức. Vé này cho phép bạn tham quan các điểm du lịch nổi tiếng. Hãy giữ vé cẩn thận vì nhân viên ở các điểm tham quan sẽ kiểm tra vé khi bạn vào cửa.
Trang phục phù hợp: Do Hội An thường có khí hậu nóng ẩm, nên bạn nên mặc quần áo thoáng mát, thoải mái khi di chuyển trong phố cổ. Tuy nhiên, nếu tham quan các đền chùa, hội quán, hãy lưu ý mặc trang phục kín đáo và lịch sự để thể hiện sự tôn trọng văn hóa địa phương.
Cẩn thận với dịch vụ và giá cả: Hội An là điểm du lịch nổi tiếng nên một số cửa hàng và dịch vụ có thể cố ý “chặt chém” du khách. Trước khi mua sắm, ăn uống hay sử dụng dịch vụ, hãy hỏi giá rõ ràng.
Tôn trọng văn hóa địa phương: Hội An là nơi có nhiều đền chùa, hội quán và công trình tôn giáo. Khi tham quan, hãy giữ thái độ tôn trọng, không gây ồn ào, không leo trèo, chạm vào các hiện vật lịch sử hoặc làm mất trật tự. Đặc biệt, tại các điểm tôn nghiêm, hãy bỏ mũ, nón khi vào bên trong.
Chuẩn bị tiền mặt: Mặc dù một số cửa hàng lớn có thể chấp nhận thanh toán bằng thẻ, phần lớn các quán ăn, cửa hàng nhỏ trong Phố cổ chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt. Do đó, bạn nên mang theo đủ tiền mặt để dễ dàng chi trả cho các dịch vụ và mua sắm.
Bảo vệ môi trường: Hãy góp phần bảo vệ cảnh quan của Phố cổ bằng cách không xả rác bừa bãi, không viết vẽ lên tường các di tích lịch sử. Hội An rất coi trọng việc bảo vệ di sản văn hóa và môi trường, do đó, việc giữ gìn vệ sinh là trách nhiệm của mỗi du khách.
Với hơn 400 năm lịch sử, Phố cổ Hội An đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, trở thành một điểm đến không chỉ nổi tiếng với du khách Việt Nam mà còn thu hút du khách quốc tế. Hội An để lại dấu ấn đặc biệt bởi vẻ đẹp hoài cổ, sự trường tồn của những ngôi nhà cũ kỹ, đền chùa lâu đời và các hội quán, tạo nên một không gian vừa yên bình vừa đầy sức sống văn hoá.
Có thể bạn quan tâm
Nền tảng đánh giá xếp hạng minh bạch nhất ở Đà Nẵng
Hàng ngàn cơ sở kinh doanh dịch vụ, sản phẩm tại Đà Nẵng được cộng đồng Reviewer trải nghiệm và bình luận khách quan, minh bạch, chi tiết nhất.
HelloDaNang có tiêu chuẩn cung cấp thông tin rõ ràng, là cầu nối giúp hàng triệu người dùng có được lựa chọn sử dụng dịch vụ, sản phẩm tốt nhất!
© Bản quyền 2024 HelloDaNang.vn | Cookies - Chính Sách - Điều Khoản - Chính sách quảng cáo