Với lịch sử hơn 700 năm phát triển gắn liền với vùng đất Đà Nẵng, Làng Nghề Nước Mắm Nam Ô qua bao đời vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, mang trong mình dấu ấn lịch sử lâu đời. Cho đến ngày nay thương hiệu nước mắm Nam Ô còn nổi danh khắp các vùng miền đất nước vì mang lại sự tinh túy từ trong công thức chế biến do nhiều đời truyền lại.
Nằm tại khu vực Vịnh Đà Nẵng dưới chân đèo Hải Vân thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu Làng Nghề Nước Mắm Nam Ô qua thời gian lâu năm vẫn giữ được vẻ bình yên qua thăng trầm của thời gian.
Vị trí tọa lạc bình dị với hướng Đông nhìn ra biển và dòng sông Cu Đê êm đềm nơi đây không chỉ tồn tại như một làng chài cổ lâu đời mà còn đang là điểm đến văn hóa thu hút du khách ở khắp mọi nơi ghé thăm.
Tìm lại những dấu tích lịch sử đã qua, các nhà nghiên cứu đã tìm ra tên gọi của Làng Nam Ô khi vùng đất này còn ở thời điểm thuộc về vương quốc Chăm Pa xưa. Đây được biết đến là thời kỳ mà Nam Ô với vị trí chiến lược đã trở thành nơi sinh sống của người dân Chăm Pa và họ luôn gắn liền với công việc đánh bắt hải sản, dùng cá để làm mắm.
Đến thế kỷ XIV, sự kiện vua Chế Mân của Chăm Pa dâng hai châu Ô và Lý cho Đại Việt làm sính lễ cưới Huyền Trân công chúa đã đánh dấu một cột mốc quan trọng làm thay đổi triều đại và bắt đầu cho một trang sử phát triển mới. Từ đây, vùng đất này chính thức thuộc về Đại Việt và từ đó cái tên Nam Ô được rất nhiều người con nước Nam biết đến.
Theo các thông tin được biết Nam Ô, nghĩa là “cửa ô phía Nam,” đây không chỉ là cái tên đơn thuần mà còn mang ý nghĩa nói về cửa ngõ chiến lược của Đại Việt để bảo vệ biên cương phía Nam đất nước.
Trong khoảng thời gian hòa bình, phát triển đất nước làng nghề làm mắm Nam Ô bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ, không chỉ là nghề phụ bên cạnh việc đánh bắt hải sản mà còn trở thành một nghề chính, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Những ngư dân Nam Ô bắt đầu kết hợp kỹ thuật khai thác thủy hải sản và phương pháp ủ chượp cá từ xa xưa để tạo ra nước mắm truyền thống đậm đà, mặn mòi hương vị biển cả.
Ngay cả những bậc trưởng lão tại làng tại Nam Ô cũng không thể nhớ rõ chính xác ngôi làng ra đời vào thời điểm nào, nhưng nghề làm nước mắm ở đây đã có sự phát triển mạnh mẽ từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Đây được xem là thời kỳ mà nước mắm Nam Ô đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, không chỉ trong phạm vi địa phương mà còn lan rộng ra các vùng lân cận.
Vào những năm 80 của thế kỷ XX, thương hiệu nước mắm Nam Ô của Đà Nẵng đã đạt được danh hiệu danh giá khi được tặng thưởng Huy chương Vàng tại Hội chợ triển lãm Giảng Võ (Hà Nội).
Thành tựu này không chỉ nâng cao uy tín của làng nghề mà còn tạo nên niềm tự hào của người dân địa phương, góp phần củng cố vai trò quan trọng của nước mắm Nam Ô trong đời sống ẩm thực và văn hóa miền Trung.
Nước Mắm Nam Ô từ xa xưa đã gắn liền với giá trị văn hóa khi được dùng thế tiến vua ở thế kỷ XVIII. Cho đến nhiều năm trở lại đây, sản phẩm nước mắm này đã được nhà nước công nhận bởi giá trị văn hóa.
Trong đó có thể cột mốc năm 2009, Làng Nghề Nước Mắm Nam Ô danh giá được Cục Sở hữu Trí Tuệ công nhận và được cấp giấy chứng nhận về nhãn hiệu tập thể.
Không chỉ dừng lại ở đó đến năm 2019 Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã phê duyệt quyết định, công nhận Làng Nghề Nước Mắm Nam Ô trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được bảo tồn.
Với tiềm lực phát triển mạnh mẽ, Làng Nghề Nước Mắm Nam Ô đến thời điểm hiện tại đang được rất nhiều người biết đến và đang phát triển với quy mô lớn bởi hơn 60 hộ tham gia sản xuất.
Đối với tầm nhìn phát triển phát triển lâu dài Hợp tác xã cùng các hộ dân, công ty đã cùng nhau đẩy mạnh quy trình sản xuất, chế biển để đạt được năng xuất cao, cung ứng ra thị trường Việt.
Theo thông tin được biết, Nước Mắm Nam Ô có công thức chế biến nghiêm ngặt với nguyên liệu chính là cá cơm than được đánh bắt tại vùng biển Đà Nẵng (được đánh bắt từ tháng 3 và tháng 8 âm lịch hàng năm).
Sau khi có nguyên liệu chính, cá cơm sẽ được lựa chọn loại không quá to, không quá nhỏ, dùng muối Cà Ná hoặc muối Sa Huỳnh trắng tinh hạt to, trộn theo tỉ lệ “3 kg cá 1 kg muối” khi thực hiện phải đảo thật đều để cá không để bị nát.
Tiếp theo cá muối sẽ được cho vào chum sành, đây là loại được dùng riêng cho việc muối mắm, giúp không làm mất đi hương vị tự nhiên. Cuối cùng là đậy nắp thật kín, để nơi khô ráo, sạch sẽ nhiệt độ vừa phải, đến 7 tháng sau thì trộn cá muối lại, đến tháng 11, 12 thì đem ra lọc mắm.
Hiện tại, Làng chài Nam Ô gắn liền với nghề làm nước mắm không chỉ đóng vai trò kinh tế quan trọng mà còn gắn liền với văn hóa và đời sống tâm linh của người dân.
Hằng năm, các cư dân vùng biển luôn tổ chức Lễ Hội Lăng Ông ở làng vào 16 tháng 2 âm lịch và lễ día Bà Liễu Hạnh vào ngày 20 tháng 2 âm lịch như một nét văn hóa truyền thống, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, bình an cho ngư dân đánh bắt cá, kết nối người dân trong quá trình làm mắm.
Nghề đánh bắt cá cơm và làm mắm từ lâu đã tồn tại qua nhiều thế hệ và là nguồn sinh kế chính chủ yếu của làng. Vì thế việc thờ cúng các vị thần biển hay tuân thủ các tập tục “kiêng cử” xưa luôn được người dân ghi nhớ và tuân thủ trong đời sống ở làng.
Cuộc sống bình dị, chân chất của người dân Nam Ô còn được khắc họa sâu sắc qua hình ảnh những chiếc thuyền ra khơi lúc bình minh đến việc chế biến, ướp muối cá tôm mỗi khi về bến, đã tạo nên một nét văn hóa đặc trưng không thể tách rời khỏi làng nghề này.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu và danh tiếng nhưng làng nghề nước mắm Nam Ô vẫn đối mặt với nhiều thách thức khác. Sự cạnh tranh từ các sản phẩm nước mắm công nghiệp, thói quen tiêu dùng thay đổi và quá trình đô thị hóa đã ảnh hưởng không nhỏ nghề truyền thống này.
Tuy nhiên, với việc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương cùng các tổ chức văn hóa, làng nghề nước mắm Nam Ô đã không ngừng nỗ lực phát triển, và đang dần được mọi người ưa chuộng.
Hiện các hộ gia đình làm nước mắm tại Nam Ô đã chú trọng đến việc cải tiến quy trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời đẩy mạnh quảng bá thương hiệu ra thị trường quốc tế.
Mục tiêu không chỉ là duy trì nghề truyền thống mà còn phát triển nước mắm Nam Ô thành một sản phẩm đặc sản cao cấp, mang đậm nét văn hóa và tinh hoa của ẩm thực miền Trung.
Qua thời gian Làng Nghề Nước Mắm Nam Ô đã trở thành điểm đến nổi tiếng cho các du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm khi đặt chân đến vùng đất Đà Nẵng xinh đẹp.
Những vị khách du lịch lần đầu tiên đặt chân đến làng nghề đều rất ấn tượng với không gian lâu đời cùng những công cụ làm nước mắm được người dân sử dụng. Trong hành trình đến với làng mọi người sẽ được tìm hiểu chi tiết về quy trình làm nước mắm truyền thống và không khó để bắt gặp những chiếc chum sành lớn nhỏ khác nhau dùng để để ủ mắm.
Bên cạnh những trải nghiệm thú vị đó, khách tham quan còn có thể mua đặt sản nước mắm Nam Ô ngay tại Làng để làm quà tặng và trực tiếp thưởng thức trong những bữa ăn. Ngoài nước mắm, Làng Nghề Nước Mắm Nam Ô còn có nhiều đặc sản phong phú khác như mắm ruốc, mắm nêm, mắm mực, cá khô,…
Khi đến với Làng Nghề Nước Mắm Nam Ô nếu có thời gian du khách có thể trực tiếp đến khu vực bãi biển, nơi ngư dân đem những thành phẩm cá cơm thang vừa với được đánh bắt lên. Đồng thời việc tận hưởng không gian bãi biển với những chiếc ghe nhỏ, thúng cũng mang đến trải nghiệm đáng nhớ.
Làng Nghề Nước Mắm Nam Ô không chỉ mang lại trải nghiệm ẩm thực độc đáo mà còn mở ra cánh cửa để du khách khám phá một nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng biển miền Trung. Những giá trị truyền thống ấy, qua bao thăng trầm của thời gian, vẫn luôn sống mãi trong lòng người dân và trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.
Có thể bạn quan tâm
Nền tảng đánh giá xếp hạng minh bạch nhất ở Đà Nẵng
Hàng ngàn cơ sở kinh doanh dịch vụ, sản phẩm tại Đà Nẵng được cộng đồng Reviewer trải nghiệm và bình luận khách quan, minh bạch, chi tiết nhất.
HelloDaNang có tiêu chuẩn cung cấp thông tin rõ ràng, là cầu nối giúp hàng triệu người dùng có được lựa chọn sử dụng dịch vụ, sản phẩm tốt nhất!
© Bản quyền 2024 HelloDaNang.vn | Cookies - Chính Sách - Điều Khoản - Chính sách quảng cáo